Thống kê

Số người đang online: 4
Số truy cập hôm nay: 90
Tổng số người truy cập: 813203

Tìm kiếm

Video

Bản đồ

Hỗ trợ trực tuyến

  • Thầy Ba | 0907. 228. 279
    My status

Chi tiết sản phẩm

Triều Tần “đoản mệnh” vì Thủy Hoàng Đế phá nhầm long mạch?

Mô tả chi tiết:
Người ta nói rằng, huyện Khúc A vốn không nằm trên tuyến đường mà đường trì đạo chạy qua, tuy nhiên, khi chạy vào lãnh thổ của nước Ngô và Sở trước kia, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh uốn cong tuyến đường này để nó chạy xuyên qua huyện Khúc A. Mục đích của Tần Thủy Hoàng chính là dùng con đường quốc đạo mang theo long khí của mình để trấn áp vương khí của đất Đan Dương…
     

 Truy tìm long mạch

Năm 221 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng tiêu diệt 6 nước chư hầu, xây dựng quốc gia quân chủ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc. Mặc dù trở thành chúa tể cả thiên hạ, có trong tay ngàn vạn dặm giang sơn, tuy nhiên, Tần Thủy Hoàng luôn cảm thấy lo lắng bất an, sợ rằng có người sẽ cướp mất giang sơn mà mình vừa có được.

Để củng cố sự thống trị của mình, Tần Thủy Hoàng sai người đi khắp thiên hạ phá hủy tất cả các “long mạch” có dấu hiệu của “vương khí” (được cho là nơi sẽ sản sinh ra các bậc đế vương sau này). Tuy nhiên, triều Tần không vì thế mà tồn tại tới ngàn vạn đời như Tần Thủy Hoàng mong muốn.

Chỉ kéo dài được đúng 14 năm, triều Tần đã bị cuộc khởi nghĩa của những người nông dân đánh đổ, đất nước lại rơi vào cảnh chiến loạn liên miên. Nhiều người nói rằng, vương triều của Tần Thủy Hoàng đã không “đoản mệnh” đến thế nếu như ông vua triều Tần không đào nhầm “long mạch”.

Bởi lẽ, chính vào lúc sai người đi khắp nơi phá bỏ “long mạch” của kẻ khác, Tần Thủy Hoàng đã vô tình phá bỏ “long mạch” của chính mình và hậu quả là triều Tần đã diệt vong gần như ngay sau khi Tần Thủy Hoàng qua đời.

Sử sách chép rằng, để củng cố sự thống trị của mình, Tần Thủy Hoàng đã thực hiện rất nhiều biện pháp rất khắc nghiệt, chẳng hạn như phân chia đất đai thành các quận, huyện để quản lý, thực thi pháp lệnh liên đới, một người bị tội thì cả họ, cả làng đều phải chịu tội. Đồng thời với những biện pháp rất hà khắc này, Tần Thủy Hoàng còn thường xuyên tổ chức cho các đại thần trong triều đi tuần tra, thị sát các nơi để kịp thời tiêu diệt sự trỗi dậy của các thế lực tàn dư của quý tộc chủ nô.

Mặc dù như vậy song Tần Thủy Hoàng vẫn không cảm thấy yên tâm. Ông vua triều Tần luôn mơ hồ cảm thấy rằng, trong một tương lai gần sẽ có một người thay thế mình, trở thành “chúa tể thiên hạ”. Tuy nhiên, người đó là ai, sinh sống ở nơi đâu thì Tần Thủy Hoàng không thể trả lời được. Thời bấy giờ, do trình độ nhận thức còn hạn chế, người ta rất tin vào sự kỳ diệu của phép thuật, bùa chú, phong thủy.

Tần Thủy Hoàng cũng không ngoại lệ. Để giải  đáp câu hỏi của mình, Tần Thủy Hoàng đã cho mời những đạo sĩ giỏi nhất trong thiên hạ tới. Một đạo sĩ đã nói với Tần Thủy Hoàng rằng, người mà ông ta đang tìm kiếm nhất định đang sống tại nơi có “long mạch” và “vương khí”.

Vì thế, nếu như muốn giữ vững giang sơn triều Tần chỉ cần phá hủy long mạch của người đó. Một khi “long mạch” và “vương khí” bị phá hủy thì người đó dù tài cán tới mấy cũng không thể cướp giang sơn của nhà Tần nữa. Tần Thủy Hoàng nghe xong mừng lắm, ngay lập tức hỏi đạo sĩ này nơi có long mạch và vương khí trong thiên hạ. Vị đạo sĩ này không ngần ngại mà đáp ngay đó chính là Vân Dương.

Phá hủy vương khí

Vân Dương vốn có tên là Đan Dương, vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nơi đây là một phần lãnh thổ của nước Sở. Vào năm 222 trước Công Nguyên, Tần Thủy Hoàng tiêu diệt nước Sở, thành lập quận Cối Kê, bao gồm toàn bộ vùng đất phía đông nam của Giang Tô và phía đông của Chiết Giang ngày nay. Đan Dương khi đó được đổi thành huyện Vân Dương.

Tần Thủy Hoàng 

Năm đó, Tần Thủy Hoàng dẫn quần thần đi tuần tra phía đông, khi đi qua Vân Dương thì có một vị quan chuyện việc chiêm bốc (quan làm nhiệm vụ quan sát thiên văn, bói toán, đoán lành dữ) đứng lên tâu rằng: “Vân Dương có ‘vương khí’”.

Tần Thủy Hoàng sợ rằng Đan Dương sẽ xuất hiện hoàng đế mới chiếm đoạt giang sơn của ông ta vì vậy lập tức hạ lệnh phá phong thủy của nơi đây. Một trong những biện pháp mà Tần Thủy Hoàng thực hiện chính là đổi tên huyện “Vân Dương” được cho là cái tên mang “vương khí” thành “Khúc A”.

Đương nhiên, việc thay đổi tên không thể nào phá đi được vương khí của đất Đan Dương. Vì vậy, vào năm 220 trước Công Nguyên, Tần cho xây dựng đường trì đạo. Vào thời bấy giờ, loại đường này gọi là quốc lộ, chỉ dùng cho hoàng gia. Đường này làm rộng và thoáng, cưỡi ngựa có thể chạy rất thoải mái và nhanh, do vậy mới có tên là “trì đạo” (trì nghĩa là cưỡi, phi ngựa).

Con đường này lấy thủ đô Hàm Dương làm trung tâm rồi chạy về hai hương đông và nam. Hướng đông chạy xuyên qua vùng đất của nước Yên và Tề trước kia còn phía nam thì chạy tới tận vùng Ngô, Sở. Lúc bấy giờ, Đan Dương đã được đổi tên là huyện Khúc A nằm trên lãnh thổ của Ngô và Sở nên đường trì đạo chạy xuyên qua nơi đây. Tuy nhiên, nhiều người nói rằng, việc này là do Tần Thủy Hoàng tin theo lời của các đạo sĩ, dùng đường trì đạo để phá hủy long mạch và vương khí của Đan Dương.

Theo thuyết này thì Khúc A vốn không nằm trên tuyến đường mà đường trì đạo chạy qua, tuy nhiên, khi chạy vào lãnh thổ của nước Ngô và Sở trước kia, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh uốn cong tuyến đường này để nó chạy xuyên qua huyện Khúc A.

Điều này là nguyên nhân khiến đoạn đường trì đạo đi qua Đan Dương rất quanh co chứ không thẳng như những đoạn đường đi qua các địa phương khác. Mục đích của Tần Thủy Hoàng đương nhiên không phải là gì khác chính là dùng con đường quốc đạo mang theo long khí của mình để trấn áp vương khí của đất Đan Dương.

Thất bại ê chề

Đáng tiếc, việc tìm mọi cách phá hủy long mạch khắp nơi không giúp vận khí triều Tần tốt hơn. Thực tế sau đó đã chứng minh, thời gian tồn tại của triều Tần cực kỳ ngắn ngủi, trong khi đó, đất Đan Dương dù phong thủy bị phá nhưng sau này vẫn xuất hiện hoàng đế. Đó chính là Đại đế Đông Ngô thời Tam Quốc – Tôn Quyền.

Tôn Quyền vốn quê gốc ở Phú Dương, tỉnh Chiết Giang, sau đó, tổ tiên mới chuyển tới huyện Khúc A (nay là thị trấn Đan Dương  Tư Đồ) để sinh sống. Ông nội của Tôn Quyền là Tôn Chung làm nghề trồng dưa sinh sống, sau khi chết, Tôn Chung được chôn cất tại núi Bạch Hạc. Cha của Tôn Quyền là Tôn Kiên sau khi chết được chôn ở khu vực Ngô Lăng cũng đặt tại Đan Dương Tư Đồ, gọi là Cao Lăng.

Tới thời Nam Triều, Đan Dương lại xuất hiện thêm 2 hoàng đế dựng nước nữa. Một vị là Tiêu Đạo Thành, tự là Chiếu Bá, tức Tề Cao Đế thời Nam Triều là người ở thị trấn Phỏng Tiên, Đan Dương. Một vị khác là Tiêu Diễn, tự là Thúc Đạt, chính là Lưỡng Vũ Đế, cũng là người ở thị trấn Phỏng Tiên, huyện Đan Dương. Cả hai vị hoàng đế này sau khi chết đều được đem về chôn cất tại Đan Dương.

Nhiều nhà phong thủy cho rằng, lúc tìm cách phá hủy long mạch của Đan Dương, có lẽ Tần Thủy Hoàngđã làm sai điều gì đó. Bởi lẽ, nếu không vì sao triều Tần lại nhanh chóng bị diệt vong tới như vậy. Và quan trọng hơn nữa, vì sao vùng Đan Dương sau này vẫn xuất hiện được hoàng đế?

Thực tế thì việc Tần Thủy Hoàng vì đào sai “long mạch” mà dẫn tới sự “đoản mệnh” của triều Tần chỉ là một truyền thuyết và cho tới nay vẫn chưa có khoa học nào có thể chứng minh được. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là, nguyên nhân khiến triều Tần nhanh chóng sụp đổ chính là vì chính sách cai trị quá tàn bạo của Tần Thủy Hoàng và kể cả người kế nghiệp ông ta (Hồ Hợi). Còn như việc phá hủy vương khíđào sai long mạch thực chất chỉ là những câu chuyện lúc “trà dư tửu hậu” của người đời sau mà thôi.

Mọi chi tiết liên hệ Thầy Ba Địa Lý 0907.228.279

www.phongthuydialytrunghoa.com